Khi răng bị áp-xe sẽ dẫn đến tình trạng sưng đau dữ dội, thậm chí sốt, ăn uống rất khó khăn. Trong trường hợp này, người bệnh cần phải xử trí và ăn uống thế nào để giảm đau và điều trị hiệu quả?
1. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết áp-xe răng
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, áp-xe răng xảy ra khi tủy răng, mô mềm bên trong ống tủy bị chết và bị viêm. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng gây nhiễm trùng chân răng. Sau đó có thể hình thành túi mủ xung quanh chân răng, tạo áp-xe. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau nhức răng.
Nguyên nhân gây áp-xe răng thường là do viêm nhiễm vùng hàm mặt: 70% do răng (sâu răng; răng bị nứt, vỡ; nhiễm trùng nướu răng, đặc biệt là trong bệnh nướu răng tiến triển…). Một số nguyên nhân khác: dị vật, chấn thương, sang chấn…
Dấu hiệu phổ biến nhất của áp-xe răng là đau nhức ở xương xung quanh răng. Người bệnh cũng có thể bị sưng lợi hoặc đau khi nhai.
Ngoài ra áp-xe răng cũng có thể kèm theo các triệu chứng sau:
- Người bệnh bị đau nhói răng, cơn đau có thể lan đến hàm, cổ hoặc tai
- Răng nhạy cảm với nóng, lạnh và áp lực khi nhai
- Người bệnh có thể bị sốt
- Có thể bị sưng ở mặt, má và các hạch bạch huyết ở hàm hoặc cổ
- Nướu răng bị đỏ và sưng lên
- Nếu áp xe bị vỡ, gây chảy mủ dẫn đến miệng có mùi hôi, đồng thời có vết loét hở, chảy dịch.
Các giai đoạn của áp-xe răng
– Giai đoạn tiến triển: 1 – 3 ngày (giai đoạn viêm), người bệnh có biểu hiện: sưng, nóng, đỏ, đau. Toàn thân nhiễm trùng – nhiễm khuẩn: sốt, môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh. Mật độ chắc do chưa hình thành mủ.
– Giai đoạn toàn phát: 3 – 5 ngày (giai đoạn chính của áp-xe), có biểu hiện nhiễm trùng – nhiễm độc rõ rệt, người mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, ăn uống kém. Da trên khối sưng từ đỏ chuyển sang tím. Mật độ: ấn chắc chuyển sang ấn lún do xác chết của bạch cầu, vi khuẩn tạo mủ.
Áp-xe răng gây cơn đau nhức rất khó chịu.
2. Xử trí áp-xe răng
Áp-xe răng nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng, thường xuyên dữ dội, răng có thể bị chết và nhiễm trùng lan rộng ảnh hưởng đến chức năng của hàm.
Vì vậy, khi bị đau răng hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác của áp-xe răng, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời.
Áp-xe răng thường được can thiệp bằng cách điều trị tủy răng hoặc phẫu thuật nội nha. Trong một số trường hợp nặng, có thể cần phải nhổ chiếc răng bị nhiễm trùng và dẫn lưu áp-xe để loại bỏ nhiễm trùng.
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau, giảm viêm và kháng sinh nếu nhiễm trùng có cơ hội lây lan.
– Trong giai đoạn tiến triển, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, dùng kháng sinh. Phát hiện và xử trí nguyên nhân.
– Giai đoạn toàn phát, cần điều trị bằng biện pháp chích rạch, đặt dẫn lưu, bơm rửa (3 – 5 ngày). Nếu có sưng ở vùng dưới hàm chèn ép khí quản phải rạch sớm, đặt ống dẫn lưu, bơm rửa từ 3 – 5 ngày. Dùng kháng sinh. Phát hiện nguyên nhân để xử trí.
Ngoài ra bệnh nhân nên súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp giảm đau răng nếu áp-xe là do nhiễm trùng nướu. Nước muối hoạt động như một chất khử trùng để loại bỏ vi khuẩn.
Khi bị đau răng người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời.
3. Người bệnh nên ăn uống thế nào khi bị đau răng?
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, để giảm đau và bảo vệ nướu răng, bên cạnh việc tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cần chú ý thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, cần hạn chế các thực phẩm gây bất lợi và cách ăn uống sai có thể khiến tình trạng nặng hơn.
4 lưu ý trong ăn uống:
– Người bệnh áp-xe răng nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như: cháo, súp, các món ninh hầm nhừ…
– Tránh những thức ăn và đồ uống quá lạnh hoặc quá nóng do lớp ngà của răng có thể đã bị tổn thương, nhiệt độ quá cao có thể gây đau. Tránh đồ uống lạnh, nước trái cây, kem, cà phê, trà hoặc súp nóng. Những thứ này có thể kích hoạt ngà răng bị lộ ra ngoài và gây đau nhiều hơn.
– Hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều đường. Chế độ ăn uống nhiều đường và tinh bột có thể gây sâu răng dẫn đến áp-xe răng vì vi khuẩn trong mảng bám răng sử dụng chúng để tạo ra các axit có thể ăn mòn men răng.
– Tránh thực phẩm có tính axit cao. Răng bị áp-xe rất nhạy cảm, vì vậy cần tránh bất kỳ sự thay đổi nào về độ pH. Thực phẩm có tính axit phổ biến là nước ngọt hoặc nước trái cây. Những chất này làm giảm độ pH trong miệng, khiến lớp khoáng chất bảo vệ răng bị mòn đi.
Cần tránh đồ uống lạnh, có nhiều đường và có tính axit cao như nước trái cây lạnh.
Tóm lại, áp-xe răng có thể phát triển sau khi răng bị nứt, vỡ, sâu răng, nhiễm trùng nướu răng hoặc do dị vật, chấn thương… Vi khuẩn tự nhiên trong miệng có thể xâm nhập qua tủy răng và lây nhiễm sang chân răng. Một túi chứa đầy mủ hình thành khi hệ thống miễn dịch của bạn cố gắng loại bỏ nhiễm trùng. Áp-xe răng gây đau, sưng và các dấu hiệu nhiễm trùng khác như sốt.
Người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để can thiệp giải quyết tình trạng áp-xe răng để giữ răng không bị chết và tránh nhiễm trùng lan rộng. Bên cạnh việc điều trị cần chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp giảm đau, bảo vệ men răng và nướu tốt hơn.