Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi chức năng gan. Ở người bệnh viêm gan B, bên cạnh việc thực hiện một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý cần hạn chế một số loại thực phẩm có thể gây tổn thương gan.
Gan là cơ quan nội tạng lớn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và duy trì sức khỏe tổng thể. Gan thực hiện một số chức năng quan trọng như chuyển hóa thức ăn, giải độc, kiểm soát lượng đường trong máu và giúp xây dựng các protein miễn dịch.
Gan sản xuất mật, giúp phân hủy chất béo để nó có thể được hấp thụ trong đường tiêu hóa. Chuyển hóa sinh học các chất độc hại (từ quá trình trao đổi chất bình thường cũng như những thứ như thuốc và rượu) trong gan để loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Gan cũng sản xuất protein, tạo ra và tái chế nhiều loại chất hóa sinh cần thiết. Gan thường tự sửa chữa khi các tế bào của nó bị hư hỏng.
Vì vậy, chế độ ăn uống lành mạnh rất cần thiết để bảo vệ chức năng gan và giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm gan.
Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ ăn uống cho người mắc bệnh viêm gan B cần đảm bảo trong quá trình điều trị cũng như phục hồi chức năng gan.
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc giaDo tổn thương gan nên người bệnh chán ăn, ăn khó tiêu. Vì vậy mục đích dinh dưỡng phải làm sao để số lượng ăn ít, nhưng chất lượng của các chất dinh dưỡng vẫn đủ cung cấp nhu cầu cho người bệnh.
Người bệnh viêm gan B chức năng gan bị suy giảm dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, sợ mỡ, rối loạn đại tiện… Cho nên để đảm bảo dinh dưỡng, thức ăn cần nấu kỹ, dễ ăn và dễ tiêu hóa, nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày để tốt cho tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Hầu hết những người bị viêm gan B ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng mà cơ thể cần với những thực phẩm lành mạnh. Điều này đặc biệt quan trọng để khắc phục tình trạng mệt mỏi thường gặp ở người mắc bệnh viêm gan B.
Chế độ ăn lành mạnh thích hợp với người bệnh viêm gan B bao gồm các thực phẩm giàu protein, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả…
Người bệnh viêm gan B nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
2. Lưu ý tránh những thực phẩm có thể gây tổn thương gan
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, người bệnh viêm gan B không nên ăn các loại thức ăn có nhiều dầu, mỡ vì các thực phẩm này gây trở ngại đến quá trình chuyển hóa chất béo, làm tích mỡ trong gan. Nên ăn ít thịt. Hạn chế ăn các món cay và thực phẩm chứa nhiều đường. Kiêng tuyệt đối rượu bia vì uống rượu bia có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị tổn thương gan cao hơn…
2.1. Tránh ăn thực phẩm nhiều chất béo
Ăn quá nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh viêm gan sẽ dẫn đến tích tụ chất béo trong gan, gây nhiễm mỡ gan và xơ gan.
Người bệnh viêm gan nên hạn chế chất béo bão hòa và loại bỏ hoàn toàn chất béo chuyển hóa.
Chất béo bão hòa có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như: thịt động vật (thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn); một số loại dầu thực vật như hạt cọ hoặc dầu dừa; các sản phẩm từ sữa bao gồm pho mát, bơ và sữa; các loại thịt đã chế biến như xúc xích và thịt xông khói…
Chất béo chuyển hóa có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như bánh rán, bánh nướng, bánh ngọt, bánh pizza đông lạnh, bánh quy, bơ thực vật…
Thay vào đó, người bệnh viêm gan nên sử dụng chất béo lành mạnh có nguồn gốc thực vật như: dầu ô liu, dầu hướng dương cung cấp các axit béo không bão hòa tốt cho sức khỏe.
Thực phẩm chứa nhiều chất béo sẽ dẫn đến tích tụ chất béo trong gan.
2.2. Ăn ít thịt
Người bệnh viêm gan B nên cắt giảm lượng thịt, thay vào đó, nên tăng cường các loại protein có nguồn gốc thực vật.
2.3. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường
Thực phẩm chứa nhiều đường có thể làm tăng chất béo trung tính và thúc đẩy bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ xảy ra khi bạn có quá nhiều chất béo trong gan.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, viêm gan có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế đường, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung như: nước ngọt, đồ uống có đường, nước trái cây nhiều đường và các món ăn có đường khác.
2.4. Không uống rượu bia, chất kích thích
Uống rượu bia làm tăng căng thẳng cho gan và có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị tổn thương gan cao hơn. Lạm dụng rượu, bia gây sẽ suy giảm chức năng gan, gây gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Rượu bia khi uống vào cơ thể, có đến 90% lượng cồn sẽ được xử lý qua gan. Tuy nhiên, khả năng khử độc của gan không phải là vô hạn. Nếu nồng độ cồn nạp vào cơ thể quá cao thì đòi hỏi gan phải mất nhiều thời gian để xử lý. Khi tế bào gan hoạt động quá tải, cồn tích tụ sẽ thành chất rất độc khiến gan ngày càng bị suy yếu, làm tăng men gan, dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí tử vong do suy gan…
Những người nghiện rượu nặng phải đối mặt với nguy cơ mắc một loạt các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, tình trạng viêm gây thoái hóa gan, có thể tiến triển thành xơ gan và thậm chí có thể gây tử vong.
Vì vậy, để bảo vệ chức năng gan, ngăn ngừa nguy cơ tổn thương gan cao hơn, người bệnh viêm gan cần tránh uống rượu bia và các chất kích thích.
Người bệnh viêm gan cần tránh uống rượu bia để ngăn ngừa nguy cơ tổn thương gan.