Năm 2023, người dân cả nước đã chi hơn 600 tỷ đồng để tiêm phòng dại trên người. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, Long An đã ghi nhận 2 trường hợp t.ử v.ong và 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại.
Sáng 20/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Huệ và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã phối hợp tổ chức chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” lần thứ tư năm 2024.
Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, 3 tháng đầu năm 2024 tình hình bệnh dại tại Long An rất phức tạp và căng thẳng. Theo đó, tỉnh đã phát hiện 6 trường hợp chó mèo mắc bệnh dại (tại 3 huyện Đức Hòa, Tân Hưng và Đức Huệ).
Đặc biệt, tỉnh đã ghi nhận 2 ca t.ử v.ong vì bệnh dại tại huyện Tân Hưng và 1 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM ngày 1/3/2024. Bên cạnh đó, ngày 12/4, Long An tiếp tục ghi nhận thêm một ổ dịch dại trên động vật tại huyện Đức Huệ.
Người dân hào hứng đưa chó, mèo đi tiêm vaccine ngừa dại tại Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Huệ. Ảnh: Phạm Thương
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng hơn 79.000 liều, đạt 75% tổng đàn. Tuy nhiên, bệnh dại trên người và động vật chưa có dấu hiệu giảm.
Theo ông Phan Quang Minh, Phó chi cục trưởng Cục Thú y cho hay, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh dại chưa có dấu hiệu giảm. Theo đó, có thể kể tới một số nguyên nhân như ý thức chủ quan người dân khi cho rằng chó, mèo nhà thì không bệnh dại; người dân chủ quan đối với bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng nhiều năm mặc dù có tỷ lệ khá cao nhưng công tác thống kê đàn chưa đúng với thực tế; đàn tiêm bị sót; tiêm không kịp thời…
Trong 7 ngày huyện Đức Huệ sẽ tiêm 6.500 mũi vaccine phòng bệnh dại cho chó mèo trên địa bàn. Ảnh: Phạm Thương
Năm 2023, cả nước có gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng bệnh dại. Như vậy, mỗi năm người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng để tiêm phòng dại.
Để đẩy lùi bệnh dại, chương trình “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” diễn ra từ ngày 20/4/2024 đến ngày 27/4/2024 dự kiến sẽ tiêm phòng miễn phí cho 6.500 con chó và mèo tại huyện Đức Huệ. Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức người dân đối với bệnh dại sẽ tăng cường công tác truyền thông, cấp phát 4.000 tài liệu tuyên truyền bệnh dại cho hộ nuôi chó mèo; trồng cây dọc các tuyến đường, truyền thông cho các em học sinh tại các trường THCS trên địa bàn huyện…
An Giang: Liên tiếp 6 người bị chó dại cắn
Vừa qua, ở H.Châu Phú (An Giang), xảy ra 2 vụ chó cắn 6 người. Qua xét nghiệm, 2 con chó này đều dương tính với virus bệnh dại.
Ngày 13.3, Sở NN-PTNT An Giang có công văn gửi Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh An Giang yêu cầu góp ý để trình UBND tỉnh ra công văn chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật.
Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang thông tin, trong 2 ngày 7 và 8.3, một con chó thả rông, chưa tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn xã Ô Long Vĩ, H.Châu Phú có biểu hiện dại đã cắn 3 người dân. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, con chó này dương tính với virus bệnh dại.
Ngày 10.3, một con chó thả rông khác tại ấp Bình Đức, xã Bình Phú, H.Châu Phú tiếp tục cắn 3 người. Nhận tin báo của người dân, Trạm Chăn nuôi và Thú y H.Châu Phú tiến hành bắt giữ chó. Kết quả xét nghiệm, con chó này dương tính với virus bệnh dại.
Theo Sở NN-PTNT An Giang, đây là 2 ổ dịch bệnh dại trên động vật đầu tiên tại tỉnh, tính từ đầu năm 2024 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó chưa đạt theo quy định; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó; nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế; công tác phối hợp liên ngành, nhất là ngành thú y, ngành y tế và chính quyền ở một số địa phương còn rất hạn chế…