Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây nhiều hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Vì vậy, những người béo phì – đối tượng dễ mắc hội chứng này cần phải có chế độ dinh dưỡng giúp giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý để ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
1. Người béo phì dễ có nguy cơ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ
Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hội chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi trung niên. Nam gặp nhiều hơn nữ.
Đặc biệt, hội chứng này rất hay gặp ở những người béo phì, cổ ngắn, người có bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên.
Ngoài ra, những người trong gia đình có người mắc hội chứng này, người có tiền sử nghiện rượu, bia, người bị bệnh đái tháo đường, suy giáp… cũng là những yếu tố gây xuất hiện hội chứng ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ.
Theo những đánh giá về nguy cơ sức khỏe đối với trẻ thừa cân, béo phì, thì ngoài những nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch trong tương lai, thì trẻ em bị béo phì có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hô hấp, ví dụ như hen suyễn và hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây nhiều hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Biến chứng nguy hiểm nhất mà người bệnh phải đối mặt là khi lượng oxy trong máu giảm đột ngột, gây tăng áp cho hệ tuần hoàn và tim gây biến đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim…
Người béo phì dễ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ.
2. Giảm cân là bước đầu tiên để cải thiện hội chứng ngừng thở khi ngủ ở người béo phì
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc duy trì cân nặng vừa phải có lợi cho việc cải thiện hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Trên thực tế, mối liên hệ này chặt chẽ đến mức nhiều bác sĩ khuyên những người bị chứng ngưng thở khi ngủ nên duy trì cân nặng vừa phải. Vì ở những người bị béo phì hoặc vận động quá ít có thể tích tụ chất béo trong đường hô hấp trên, thu hẹp đường thở gây khó thở. Hoạt động cơ quá ít cũng có thể làm giảm trương lực cơ.
Vì vậy, duy trì trọng lượng hợp lý, đặc biệt là giảm cân đối với người thừa cân, béo phì là bước đầu tiên quan trọng trong việc điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Theo TS. BS Phạm Thị Bích Thủy, ngoài việc đi khám và điều trị, người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, đặc biệt phải có chế độ dinh dưỡng giúp giảm cân nếu thừa cân, béo phì để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch.
3. Một số thực phẩm giúp giảm cân an toàn cho người béo phì
3.1. Rau và trái cây
Rau và trái cây là thực phẩm lành mạnh, giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Rau và trái cây là những thực phẩm rất quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh, giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Rau và trái cây là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giàu vitamin, khoáng chất cần thiết. Đặc biệt là chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật.
Ăn nhiều trái cây và rau quả có thể giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý vì chúng có ít calo và chất béo tự nhiên. Người thừa cân, béo phì nên ăn các loại trái cây và rau quả có nhiều màu sắc khác nhau vì chúng có chứa sự kết hợp khác nhau của các chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể chúng ta cần để duy trì sức khỏe mà không bị tăng cân.
3.2. Ngũ cốc nguyên hạt
Chọn ngũ cốc nguyên hạt cho phần lớn lượng thực phẩm cần thiết trong danh sách thực phẩm hàng ngày là một lựa chọn khôn ngoan cho sức khỏe và cân nặng của bạn.
Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp một lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng thực vật, đồng thời rất giàu carbohydrate, nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho cơ thể.
Ngoài vitamin, khoáng chất và dinh dưỡng thực vật, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch… rất giàu chất xơ có lợi cho sức khỏe, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, từ đó có thể giảm cân hiệu quả.
3.3. Trứng
Trứng là một nguồn protein rất giàu dinh dưỡng. Ăn trứng thường xuyên, đặc biệt là bữa sáng với trứng đã được chứng minh là có tác dụng giảm cân như một phần của chế độ ăn kiêng giảm calo.
Bữa sáng với trứng giúp giảm cân.
3.4. Cá béo
Để tốt cho sức khỏe và cân nặng hợp lý, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên ăn cá ít nhất 2 lần một tuần, đặc biệt là các loại cá béo có nhiều axit béo omega-3.
Ngoài việc hỗ trợ sức khỏe tim và não, axit béo omega-3 được tìm thấy trong các loại cá như: cá hồi, cá mòi và cá ngừ có thể giúp giảm mỡ trong cơ thể. Chúng cũng chứa nhiều chất đạm giúp hạn chế cơn đói, giúp bạn có thể no trong nhiều giờ.
3.5. Sữa chua
Sữa chua có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể trong việc giảm cân. Với hàm lượng protein cao, sữa chua làm tăng khối lượng cơ bắp, giúp quá trình trao đổi chất của cơ thể, giúp đốt cháy nhiều calo hơn.
Probiotics trong sữa chua cải thiện sức khỏe đường ruột, giúp cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Sữa chua giàu protein làm tiêu hóa chậm hơn, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và tránh bị đói giữa các bữa ăn.
Để giảm cân hiệu quả, người bệnh nên chọn loại sữa chua nguyên chất, ít chất béo, không thêm đường và hương vị vào bữa sáng và các bữa ăn nhẹ.
Nên chọn loại sữa chua nguyên chất.
4. Người béo phì cần hạn chế thực phẩm nào?
- Cắt bỏ đồ ăn có đường bổ sung
- Giảm thiểu tiêu thụ đồ uống có nhiều đường
- Cắt giảm thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, các sản phẩm ngũ cốc tinh chế
- Hạn chế đồ ăn nhiều muối
- Hạn chế đồ ăn chiên rán
- Tránh sử dụng rượu bia…