Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất nhưng nó có thể gây một số tác dụng phụ khiến người bệnh khó chịu, khó ăn uống dẫn đến chán ăn. Vậy cần làm gì để giảm những tác dụng phụ này?
1. Tác dụng phụ của hóa trị
Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư sử dụng hóa chất để tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư với mục tiêu chữa khỏi ung thư, kiểm soát ung thư và chăm sóc giảm nhẹ.
Hóa trị chống lại ung thư bằng cách nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh trong cơ thể. Điều này là do các tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh chóng. Tuy nhiên, hóa trị cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Khi các tế bào khỏe mạnh bị phá hủy, các tác dụng phụ sẽ xảy ra.
BSCKI. Lâm Phương Nam, Đơn vị Hóa trị liệu ung thư – BV Đại học Y Dược TP.HCMKhởi đầu là các hóa chất mang tính độc cho tế bào. Ngày nay, chúng được bổ sung bằng thuốc hoóc-môn, thuốc miễn dịch, thuốc điều trị nhắm trúng đích… nên dù tác động chủ yếu trên tế bào ung thư, các chất này cũng làm ảnh hưởng nhất định lên các tế bào lành của cơ thể, gây ra các tác động bất lợi hay còn gọi là tác dụng phụ.https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-ph…
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, các tác dụng phụ phổ biến nhất của phương pháp hóa trị là:
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Dễ bị bầm tím và chảy máu
- Nhiễm trùng
- Thiếu máu (số lượng tế bào hồng cầu thấp)
- Buồn nôn và nôn mửa
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Các vấn đề về miệng, lưỡi và họng, ví dụ như có vết loét và đau khi nuốt
- Bệnh thần kinh ngoại biên hoặc các vấn đề thần kinh khác, ví dụ như tê, ngứa ran và đau
- Thay đổi da và móng, ví dụ như da khô và thay đổi màu sắc
- Thay đổi nước tiểu, bàng quang và các vấn đề về thận
- Sự tập trung bị ảnh hưởng
- Thay đổi tâm trạng
- Thay đổi ham muốn tình dục và chức năng tình dục…
Lịch trình điều trị hóa trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, mức độ tiến triển của bệnh và mức độ cơ thể người bệnh đáp ứng với điều trị. Hầu hết các phương pháp điều trị đều cần thời gian phục hồi sau đó.
Các chuyên gia y tế khuyên người bệnh ung thư nên theo dõi tình trạng sức khỏe và thông báo cho bác sĩ điều trị trong và sau các chu kỳ điều trị hóa trị để được hướng dẫn chăm sóc, can thiệp phù hợp.
Người bệnh ung thư dễ bị buồn nôn khi hóa trị. Ảnh MH
2. Người bệnh ung thư nên ăn uống thế nào để giảm tác dụng phụ của hóa trị?
Khi hóa trị, người bệnh dễ gặp các tác dụng phụ liên quan đến rối loạn ăn uống như: mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau miệng, chán ăn, táo bón, tiêu chảy… Vậy điều rất quan trọng là phải làm sao để người bệnh được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng, giảm nhẹ các tác dụng phụ và đáp ứng điều trị tốt.
Theo ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, chuyên khoa Dinh dưỡng, Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam, người bệnh ung thư cần duy trì dinh dưỡng đúng cách để theo đuổi liệu trình điều trị, nhằm hạn chế độc tính và tác dụng phụ của thuốc, nhanh chóng lành vết mổ, cải thiện tâm trạng.
Mỗi bệnh nhân ung thư cần được khám và đánh giá dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn phù hợp với bệnh lý. Nên lựa chọn thức ăn giàu năng lượng, đạm. Nên ăn theo sở thích và thử nhiều món ăn khác nhau để tìm ra món ăn phù hợp với cơ thể.
Nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc sau hóa trị như nôn hay buồn nôn, thì bệnh nhân nên dùng thức ăn khô, ít có mùi, tránh món ăn chiên xào, nơi ăn xa nơi chế biến để tránh ngửi thấy mùi dầu mỡ khi chế biến.
Nên chia nhỏ bữa ăn, không nằm sau ăn. Có thể uống nước gừng ấm, hay ăn kẹo bạc hà để giảm cảm giác buồn nôn.
Nếu hoàn toàn không ăn được do nôn thì bệnh nhân có thể uống nước đường, nước trái cây để bổ sung năng lượng hoặc gọi bác sĩ điều trị để được điều trị nôn bằng thuốc.
Nếu bệnh nhân sau hóa trị bị tiêu chảy hay táo bón cần báo cho bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với từng tình trạng sức khỏe. Bệnh nhân nên uống đủ 2 lít nước/ngày. Nếu bị táo bón, nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: ngũ cốc, bắp, các loại đậu, đu đủ, thanh long, bơ, chuối. Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, chỉ dùng thuốc hỗ trợ khi chưa đi cầu trên 3 ngày.
Nếu bị tiêu chảy, người bệnh nên tránh ăn nhóm thực phẩm nhiều chất xơ, bổ sung thêm nước điện giải, hạn chế sữa hay thay bằng sữa chua. Chia nhỏ bữa ăn, không được nhịn ăn.
Bệnh nhân ung thư nên khám dinh dưỡng để được đánh giá tình trạng dinh dưỡng qua mỗi liệu trình điều trị để được tư vấn, can thiệp sớm để tăng kết quả điều trị.
Bệnh nhân ung thư nên lựa chọn thức ăn giàu năng lượng, đạm.
3. Mẹo ăn uống giúp giảm buồn nôn trong quá trình hóa trị
3.1. Chia nhỏ bữa ăn
Thay vì ăn 3 bữa chính, người bệnh ung thư nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Ăn một lượng nhỏ thức ăn khi bị buồn nôn sẽ dễ dàng hơn là ăn một lượng lớn, ngay cả khi người bệnh cảm thấy thực sự đói.
3.2. Tránh thức ăn có nhiều dầu mỡ
Cần phải duy trì một chế độ ăn uống với các thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng để cung cấp đủ năng lượng cần thiết. Cố gắng tránh thức ăn béo, nhiều dầu mỡ. Những thức ăn này thường rất khó tiêu hóa, chưa nói đến việc gây buồn nôn. Thức ăn nhiều dầu mỡ thường có thể làm cho cảm giác buồn nôn tồi tệ hơn, dẫn đến nôn mửa.
3.3. Tránh xa mùi mạnh
Một trong những tác nhân gây buồn nôn phổ biến nhất đối với người bệnh là mùi thức ăn hoặc chế biến thức ăn. Vì vậy, nếu nhạy cảm quá mức với mùi thức ăn, người bệnh nên tránh xa nó.
Mọi người trong gia đình khi nấu ăn nên nấu ở một khu vực riêng. Người bệnh nên tránh ăn ở nhà hàng nếu cảm thấy buồn nôn bởi mùi vị thức ăn.
Nên tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và có mùi mạnh để giảm cảm giác buồn nôn.
3.4. Nghỉ ngơi sau khi ăn
Người bệnh nên nghỉ ngơi sau khi ăn, nhưng không nên nằm. Cố gắng ngồi ở tư thế thẳng hoặc trên ghế tựa ít nhất 20 phút sau khi ăn. Điều này sẽ hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn so với việc nằm úp sấp.
3.5. Uống nước ở nhiệt độ bình thường
Đồ uống lạnh hoặc nóng có thể làm trầm trọng thêm cảm giác buồn nôn. Vì vậy, để hạn chế cơn buồn nôn, người bệnh nên uống đồ uống có nhiệt độ bình thường, không nóng hoặc lạnh.