Đối với người nghiện rượu sẽ gặp phải những ảnh hưởng về sức khoẻ thể chất và tâm thần rất lớn. Rượu không chỉ tàn phá chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể mà nó còn gây rối loạn dinh dưỡng vì rượu ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa và sử dụng các chất dinh dưỡng.
1. Ảnh hưởng của tình trạng nghiện rượu đối với sức khoẻ
Nghiện rượu là một tình trạng mạn tính, do nhu cầu uống rượu không được thoả mãn một cách thường xuyên, gây thèm rượu bắt buộc làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, đến sức khoẻ tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Theo BS CKII. Khúc Thị Nhẹn, chuyên ngành Thần kinh, Khoa Quốc tế – Bệnh Viện E Trung ương, rượu làm suy yếu hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể. Ở một số người, rượu gây phản ứng ban đầu là kích thích, có cảm giác hưng phấn. Nhưng những hiệu ứng này có thể không kéo dài lâu. Sự bốc đồng, mất phối hợp và thay đổi tâm trạng có thể ảnh hưởng đến sự phán đoán và hành vi, gây hậu quả nghiêm trọng như: tai nạn, thương tích, làm tổn thương những người xung quanh…
Uống quá nhiều rượu sẽ gây ảnh hưởng đến lời nói, hành vi, sự phối hợp cơ bắp và các bộ phận trung tâm quan trọng của não, thậm chí có thể gây hôn mê, đe dọa tính mạng hoặc tử vong.
Nghiện rượu gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần.
Khi uống nhiều rượu, uống thường xuyên có thể dẫn đến lệ thuộc, có nghĩa là cơ thể và bộ não của bạn đã quen với tác dụng của rượu.
Nghiện rượu có các mức độ từ nhẹ, trung bình hoặc nặng, các dấu hiệu nghiện rượu có thể bao gồm:
- Không thể giới hạn lượng rượu uống
- Muốn cắt giảm số lượng rượu uống hoặc thực hiện việc cắt giảm không thành công
- Dành nhiều thời gian để uống rượu
- Cảm thấy thèm uống rượu mạnh
- Không thể hoàn thành công việc do uống rượu
- Từ bỏ, giảm bớt hoặc không còn hứng thú với các hoạt động xã hội, công việc cũng như sở thích
- Tiếp tục uống rượu mặc dù biết rằng nó gây ra hậu quả xấu
- Sử dụng rượu trong các tình huống không an toàn như đang lái xe hoặc đang bơi…
2. Phải làm gì khi có dấu hiệu lệ thuộc vào rượu?
Với những tác hại nghiêm trọng đối với sức khoẻ thể chất, tâm thần và ảnh hưởng xã hội của tình trạng nghiện rượu, các chuyên gia y tế khuyên những người có biểu hiện lệ thuộc vào rượu hay người thân khi phát hiện người trong gia đình có dấu hiệu nghiện rượu nên đi khám để được tư vấn hướng dẫn các biện pháp cai rượu phù hợp.
Người nghiện rượu muốn bỏ rượu thì phải cai, phải giảm dần số lượng rượu uống. Không được bỏ rượu đột ngột, nhất là với người nghiện nặng, hàng ngày uống từ 300 – 500ml trở lên. Khi bỏ rượu đột ngột sẽ có hội chứng ngừng rượu cấp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc gây cơn sảng, cơn giật …
Cai rượu không đơn giản và không phải ai cũng có thể tự làm được. Để việc cai rượu đạt kết quả, BS. Khúc Thị Nhẹn khuyên người nghiện rượu cần phải có quyết tâm bỏ rượu và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ, động viên, theo dõi, nhắc nhở của người thân.
Trong quá trình chăm sóc cai nghiện rượu, gia đình và người bệnh nên chú ý có chế độ sinh hoạt lành mạnh và đảm bảo dinh dưỡng bằng cách ăn uống đủ chất, ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, uống nhiều nước và bổ sung vitamin và khoáng chất để giúp giảm triệu chứng khó chịu liên quan đến quá trình cai rượu và giúp nhanh phục hồi thể trạng.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình cai rượu.
3. Một số thực phẩm tốt cho người nghiện rượu
3.1. Trái cây và rau
Do chứa nhiều chất xơ, trái cây và rau tiêu hóa chậm, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giải độc cơ thể. Trái cây cũng cung cấp nước, chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch, thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể.
3.2. Protein tốt
Nhiều người nghiện rượu trong quá trình cai nghiện sẽ giảm cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn. Nước hầm xương có thể là một món cung cấp protein hữu ích cho những người không ăn được. Đối với những người khác có thể ăn các các nguồn protein tốt bao gồm: hải sản, thịt gia cầm, trứng, đậu nành và đậu lăng.
3.3. Ngũ cốc nguyên hạt
Carbohydrate rất cần thiết đối với cơ thể vì chúng cung cấp năng lượng và vitamin B bị cạn kiệt khi sử dụng quá nhiều rượu. Ngũ cốc nguyên hạt như: yến mạch, gạo lứt và bánh mì nguyên cám có nhiều chất xơ, rất tốt cho đường ruột. Các vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh có thể giúp hỗ trợ gan và thận khoẻ mạnh – những cơ quan giải độc quan trọng nhất của cơ thể.
3.4. Thực phẩm cung cấp vitamin B
Uống rượu bia kéo dài dẫn đến thiếu vitamin B, vì vậy, việc bổ sung nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B cho cơ thể là rất quan trọng. Nguồn thực phẩm giàu vitamin B bao gồm: cá hồi, thịt gia cầm, sữa, rau lá xanh, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Người nghiện rượu cần bổ sung nguồn thực phẩm cung cấp vitamin B.
3.5. Thực phẩm giàu omega-3
A xít béo omega-3 là chất béo lành mạnh giúp giảm viêm trong cơ thể, ổn định tâm trạng và thiện chức năng não. Người nghiện rượu nên ăn các thực phẩm giàu omega-3 như: Cá hồi, quả óc chó, hạt lanh, hạt chia…
3.6. Uống nhiều nước
Bổ sung nước rất quan trọng đối với người cai nghiện rượu. Trong quá trình cai rượu, cơ thể đang điều chỉnh để nạp ít chất lỏng hơn bình thường. Ngoài ra, các triệu chứng cai nghiện như: nôn mửa, tiêu chảy và đổ mồ hôi cũng có thể góp phần làm mất nước. Vì vậy, người cai rượu cần uống nhiều nước để bổ sung chất lỏng đã mất.