Nhiều người cho rằng uống một chút bia rượu mỗi ngày không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghiên cứu mới đây phát hiện thấy ngay cả khi uống một lượng bia rượu vừa phải cũng có thể khiến não của bạn bị lão hóa nhanh hơn.
Khi uống một lượng bia rượu vừa phải cũng có thể khiến não của bạn bị lão hóa nhanh hơn
Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng ngay cả khi uống một lượng bia rượu vừa phải cũng có thể khiến não của bạn bị lão hóa nhanh hơn.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên PLOS Medicine, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 20.965 người tham gia có tuổi trung bình là 55. Trong khi 2,7% những người tham gia không uống bất kỳ loại rượu nào, những người tham gia còn lại uống trung bình 18 đơn vị rượu bia mỗi tuần. 18 đơn vị tương đương với 06 ly rượu khá lớn hoặc 07 lon rưỡi bia.
Nhà nghiên cứu Anya Topiwala thuộc Đại học Oxford, đồng tham gia nghiên cứu trên cho biết: “Trong nghiên cứu lớn nhất cho đến nay, chúng tôi nhận thấy uống nhiều hơn 7 đơn vị rượu mỗi tuần có liên quan đến sự tích tụ sắt trong não. Chất sắt trong não cao hơn có liên quan đến hiệu suất nhận thức kém hơn. Sự tích tụ sắt có thể làm suy giảm nhận thức”.
Chất sắt cao bất thường trong não có liên quan đến stress oxy hóa, dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh và chết tế bào
Chuyên gia dinh dưỡng Emma Laing, Tiến sĩ, giáo sư lâm sàng tại Đại học Georgia và người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, đồng tình: “Mức độ sắt cao hơn trong các hạch nền não có liên quan đến việc đo lường chức năng nhận thức kém hơn”.
Bộ não vốn rất nhạy cảm với những thay đổi trong quá trình chuyển hóa sắt, trong khi chất sắt trong não gây ra suy giảm nhận thức. Chất sắt cao bất thường trong não có liên quan đến stress oxy hóa, dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh và chết tế bào.
-
Gánh nặng bệnh tật toàn cầu tăng do rượu, bia
-
Rượu bia: Bạn và thù của tim mạch
Nếu bạn muốn giảm lượng rượu để tránh lão hóa não, giáo sư Laing nói bạn có thể “chọn đồ uống có cồn nhẹ hoặc không chứa cồn”. Ngoài ra, “uống một hoặc hai cốc nước cùng với mỗi đồ uống sẽ giúp hạn chế tiêu thụ quá mức, cũng như tránh uống rượu khi bụng đói”.
Tuy nhiên, những người đang hồi phục sau cơn nghiện rượu được khuyến cáo không nên thử, vì các lựa chọn thay thế có thể làm tăng ham muốn uống rượu.
Giáo sư Laing lưu ý: “Tác động sức khỏe của việc uống rượu phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân, tình trạng sức khỏe của họ và thuốc họ dùng. Nếu bạn có xu hướng uống quá nhiều hoặc nhận thấy rằng rượu gây ra các vấn đề trong cuộc sống của bạn, bạn cần phải được tư vấn bởi bác sĩ”.