Lão hóa da là quá trình tự nhiên của cơ thể khi tuổi tác tăng cao. Tùy cơ địa và cách chăm sóc của mỗi người mà tình trạng làn da có thể lão hóa sớm hay muộn nhưng bí quyết để có làn da săn chắc, trẻ đẹp bắt đầu từ một chế độ ăn uống lành mạnh.
Lão hoá da là dấu hiệu suy giảm chức năng của da, khiến độ đàn hồi của da giảm đi và các mô liên kết bắt đầu yếu dần, kết cấu collagen, elastine cũng dần trở nên lỏng lẻo.
Quá trình lão hóa sẽ dẫn tới sự suy giảm chức năng của da, thể tích da, mật độ da, đặc biệt là collagen mất đi đến 1% mỗi năm ở phụ nữ.
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến làn da
Khi chúng ta già đi, việc nhìn thấy những thay đổi trên da là điều bình thường. Stress ôxy hóa có một vai trò trong quá trình lão hóa da, đó là một quá trình xảy ra khi các gốc tự do gây ảnh hưởng xấu cho các tế bào. Các gốc tự do là sản phẩm tự nhiên của quá trình trao đổi chất của con người, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các yếu tố lối sống như chế độ ăn uống được chế biến cao, uống rượu và hút thuốc.
Viêm: Tình trạng viêm trong cơ thể gia tăng có thể có tác động tiêu cực đến làn da. Chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng tình trạng viêm toàn bộ cơ thể.
Khô: Khô da xảy ra khi các tế bào được ngậm nước kém. Điều này làm cho các tế bào da nhỏ lại. Thời tiết hanh khô, một số loại xà phòng và phơi nắng quá nhiều cũng có thể gây khô da.
2. Dấu hiệu lão hoá da
Bề mặt da khô, thô ráp là dấu hiệu da bị lão hoá.
Theo BS. Lê Thái Vân Thanh (Khoa Da liễu – Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh), các dấu hiệu lão hóa da sẽ ngày càng tăng lên cùng thời gian, khi da lão hóa sẽ có 3 biểu hiện chính:
– Bề mặt da khô, thô ráp: Do các tế bào giảm khả năng giữ nước, các tế bào chết trên bề mặt da có xu hướng kết dính lại làm da có xu hướng khô và thô ráp, dần dần làm da không còn mượt mà nữa.
– Rối loạn sắc tố da: Nhẹ thì thấy da xỉn màu mất độ sáng hồng, nặng thì có những đốm tăng sắc tố xen kẽ là những đốm giảm sắc tố mà người ta hay gọi là “đồi mồi”.
– Da chảy nhão, có nhiều nếp nhăn: Các sợi đàn hồi trong da dày, dễ đứt gãy và chảy nhão. Điều này làm da mất độ đàn hồi, chảy nhão và hình thành nếp nhăn. Da vùng mắt là một trong những nơi đầu tiên dễ hình thành nếp nhăn khi da bị lão hóa.
Một dấu hiệu nữa cũng thường xảy ra là sự tích và tiêu mỡ ở một số vùng. Ví dụ như mỡ ở lưng bàn tay bàn chân thì tiêu đi trong khi mỡ được tích lũy nhiều ở vùng eo, mông…
3. Thay đổi lối sống giúp làn da tươi trẻ
-
5 thực phẩm giúp cải thiện làn da bị cháy nắng
-
5 bước chăm sóc da dầu giúp da thông thoáng, sạch mụn trong mùa hè
Ăn quá nhiều đường đã qua chế biến hoặc tinh chế và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (sữa, carbohydrate và chất béo không lành mạnh) có thể gây viêm da, kích ứng và nổi mụn, đồng thời có thể thúc đẩy quá trình lão hóa. Vì vậy, hãy ăn những thực phẩm này một cách điều độ và nhớ rằng: thực phẩm bổ sung không thể thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Một chế độ ăn lành mạnh với việc ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, cá béo và các loại đậu có thể giúp nuôi dưỡng làn da từ trong ra ngoài.
4. 7 loại rau củ giúp dưỡng da từ bên trong
4.1 Cà chua tăng cường chống lão hoá da
Cà chua là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, bên cạnh việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, vitamin C và các chất chống ôxy hóa khác có thể giúp cơ thể giúp kích thích sản xuất collagen làn da giảm nếp nhăn và bảo vệ các tế bào da khỏi bị tổn thương do tiếp xúc với tia UV.
Cà chua giàu vitamin A, vtamin B6, các nguyên tố vi lượng như sắt, canxi, magie, niken… Sắc tố lycopen và betacaroten là những chất chống ôxy hoá mạnh mẽ, giúp tái tạo làn da, mang lại làn da trắng hồng tự nhiên.
Có thể ăn cà chua sống, uống nước ép cà chua hoặc sử dụng cà chua để đắp mặt sẽ giúp bạn có một làn da trắng sáng.
Cắt đôi quả cà chua, bôi một ít mật ong lên bề mặt và chà xát nhẹ nhàng lên vùng da đã được làm sạch là một trong nhiều cách bạn có thể sử dụng cà chua để chăm sóc làn da của mình. Hoặc dùng một thìa nước ép cà chua chín tươi và 2 giọt nước cốt chanh, hòa vào một bát nước nhỏ, sau đó dùng bông vải mềm xoa lên mặt theo chiều chuyển động tròn. Thực hành 10 phút sau đó dùng nước lạnh rửa sạch sẽ có tác dụng thu nhỏ lỗ chân lông giúp da mịn màng.
Cà chua cung cấp nguồn vitamin C dồi dào giúp da khoẻ mạnh.
4.2 Bí đao
Theo BSCKI Nguyễn Như Thủy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh), bí đao chứa lượng dầu thực vật cao, không bão hòa với chất béo, rất có lợi cho da và tóc. Bí đao giúp làm căng da, mịn da, trắng hồng, trị và ngừa mụn do giúp đẩy nhân mụn ẩn dưới da lên bề mặt, làm mờ nám, tàn nhang, làm hồng môi, giảm viêm da, giảm viêm nang lông. Có thể chế biến bí đao thành cao bí đao, nước ép bí đao để dễ sử dụng.
Bác sĩ Thủy cũng lưu ý không nên ăn hoặc uống thường xuyên nước ép bí đao chưa qua chế biến. Bí đao sống có tính xà phòng cao, vì thế việc uống nước ép bí đao sống liên tục không tốt cho cơ thể. Lâu lâu dần sẽ khiến hệ tiêu hoá nhiễm bệnh, hoạt động kém đi, làm mất cân bằng độ pH.
4.3 Giá đậu xanh
Giá đỗ có lợi cho sức khỏe theo nhiều cách, từ hàm lượng vitamin C cao đến các protein và chất xơ giúp tạo ra độ giòn đặc biệt của chúng.
Các chất chống ôxy hóa như vitamin C, vitamin A và các hợp chất chống ôxy hóa khác như dinh dưỡng thực vật, polyphenol và flavonoid… trong giá đỗ xanh bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của các gốc tự do. Trong giá cũng chứa nhiều vitamin C và chất xơ giúp loại bỏ chất ô nhiễm, tạp chất và các chất không mong muốn khác khỏi cơ thể và ngăn chúng bị tắc nghẽn trong lỗ chân lông trên da, giảm tạo nhân mụn.
Dùng giá thường xuyên giúp cải thiện độ ẩm của da, giúp da tăng sự đàn hồi và ngăn ngừa làm chậm những thay đổi của da do tuổi tác như các đốm đồi mồi, đốm đen; một số nghiên cứu còn cho thấy tác dụng chống chất ôxy hóa, giúp bảo vệ da khỏi UV từ đó hỗ trợ ngăn ngừa ung thư da.
Có thể sử dụng giá để ăn sống, nấu canh, luộc, xào hoặc trộn salad. Tuy nhiên, cần chọn loại giá được chế biến sạch không ngâm bằng hóa chất để an toàn cho sức khỏe.
4.4 Củ cải trắng
Với hàm lượng nước cao và rất giàu vitamin A, vitamin C, phốt pho, kẽm nên củ cải trắng cung cấp nước cho cơ thể, tăng thêm độ ẩm cho làn da từ sâu bên trong. Các vitamin có sẵn trong củ cải có thể làm ức chế sự hình thành sắc tố melanin, từ đó làm mờ các vết thâm, nám để giúp làn da được mịn màng, trẻ khỏe hơn.
Ngoài hàm lượng vitamin phong phú thì củ cải trắng còn chứa hàm lượng chất xơ khá cao, nhất là chất xơ thực vật từ lá củ cải. Nhờ có các chất xơ thực vật này nên giúp cơ thể ngăn ngừa nguy cơ táo bón, xúc tiến dạ dày nhu động và đào thải độc tố ra ngoài, giúp làn da tươi sáng, giảm mụn đáng kể.
Bác sĩ Thủy cho biết, củ cải trắng là loại rau củ tốt giúp làm sáng màu da mặc dù không phải là một loại củ dễ ăn do có vị the cay. Củ cải trắng chứa hàm lượng lớn vitamin C, giúp chống ôxy hóa, hạn chế hình thành melanin, làm mờ vết sạm da, làm mờ đốm nâu và vết nám.
Ngoài ra, củ cải trắng còn ngăn chặn hình thành sắc tố làm tối da, chữa lành sẹo lõm hoặc tái tạo da sau quá trình bị mụn, hỗ trợ tăng cường collagen, tạo độ đàn hồi và săn chắc cho da, ức chế tăng tiết nhờn, se nhỏ lỗ chân lông giúp làn da sạch sẽ mịn màng. Có thể sử dụng củ cải trắng nghiền làm mặt nạ giúp giảm thâm hoặc giúp da sáng bằng cách dùng nước hầm củ cải trắng.
Củ cải giúp giảm thâm, mờ vết nám.
4.5 Quả bơ
Bơ có nhiều chất béo có lợi và chứa vitamin E và C, rất quan trọng cho làn da khỏe mạnh. Chúng cũng bao gồm các hợp chất có thể bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Điều thú vị là, vitamin E dường như có hiệu quả hơn khi kết hợp với vitamin C.
Làn da cần vitamin C để tạo ra collagen, là protein cấu trúc giữ cho làn da mạnh mẽ và khỏe mạnh. Vitamin C cũng là một chất chống ôxy hóa giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại ôxy hóa do ánh nắng mặt trời và môi trường, có thể dẫn đến các dấu hiệu lão hóa.
Một khẩu phần 100g, hoặc khoảng 1/2 quả bơ, cung cấp 14% giá trị hàng ngày (DV) cho vitamin E và 11% DV cho vitamin C.
4.6 Khoai lang
Khoai lang là một nguồn beta carotene tuyệt vời, hoạt động như một chất chống nắng tự nhiên. Khi tiêu thụ, chất chống ôxy hóa này được kết hợp vào da và giúp bảo vệ các tế bào da khỏi ánh nắng mặt trời. Điều này có thể giúp ngăn ngừa cháy nắng, chết tế bào và da khô, nhăn.
Một khẩu phần 1/2 chén (100g) khoai lang nướng chứa đủ beta carotene để cung cấp hơn sáu lần lượng vitamin A cơ thể cần mỗi ngày.
4.7 Khoai tây
Hàm lượng cao cellulose, các chất vi lượng, chất béo và tinh bột cũng giúp da khỏe mạnh, cải tiện độ đàn hồi, cung cấp độ ẩm tốt cho da. Ngoài ra, khoai tây còn giúp giảm sưng vùng bọng mắt, giảm thâm do thức khuya và giúp kích thích mọc tóc.
Khi ăn, khoai tây có tác dụng làm mát gan, thải độc, chống viêm và kích thích tái tạo da, đẩy lùi mụn trứng cá từ bên trong. Ngoài ra, khoai tây còn được sử dụng theo đường bôi và đắp ngoài để sát trùng, làm sạch da, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn từ bên ngoài.
Khoai tây cắt lát đắp lên mặt hoặc làm mặt nạ bằng khoai tây nghiền trộn với mật ong, chanh, sữa tươi, sữa chua hay cà chua cũng là cách dưỡng da phổ biến mang lại hiệu quả tốt. Hạn chế dùng khoai tây chiên, các chế phẩm khoai tây ăn liền vì thực phẩm này chứa nhiều chất béo không tốt cho da và tim mạch.
Cùng với việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng với các loại rau củ lành mạnh, hãy cân nhắc việc bảo vệ da bằng các thói quen khác, chẳng hạn như bôi kem chống nắng, tránh hút thuốc, hoạt động thể chất và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp.