Hiện nay, ngày càng có nhiều người yêu thể thao và cũng có ngày càng nhiều người tích cực tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe. Đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng. Song, để đảm bảo và tăng cường hiệu quả của việc tập luyện, người tập cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Tại sao người tập luyện thể dục thể thao cần chú trọng chế độ dinh dưỡng?
PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, Cố vấn Dinh dưỡng cho các đoàn thể thao Việt Nam – cho biết: “Dinh dưỡng thể thao là một môn khoa học chuyên sâu, giúp cho người tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là các vận động viên đạt được thành tích cao, bao gồm xây dựng, đưa ra khẩu phần ăn hợp lý: giúp người tập thể thao, đạt hiệu quả tốt nhất, có thể trạng, cấu trúc cơ thể, tình trạng dinh dưỡng tốt nhất và đặc biệt với các vận động viên thi đấu thể thao, chế độ dinh dưỡng thể thao giúp họ thi đấu sung sức nhất cũng như phục hồi tốt nhất sau trận đấu, đồng thời phòng tránh các chấn thương có thể xảy ra.”
Trên thực tế, có rất nhiều môn thể thao khác nhau, trong mỗi môn lại có các giai đoạn khác nhau. Theo đó, việc ăn uống cũng khác nhau, đòi hỏi người tập luyện phải có sự tìm hiểu kĩ càng, tốt nhất, nên xin ý kiến tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với từng cá thể.
Bữa ăn theo chế độ dinh dưỡng thể thao khác gì chế độ dinh dưỡng thông thường?
Theo PGS. Nguyễn Xuân Ninh: về số lượng thực phẩm được thiết kế trong từng bữa ăn có thể không khác nhau, nhưng điểm khác biệt lại chính là chất lượng phân bố thực phẩm. Bên cạnh đó, về số lượng bữa ăn cũng có sự khác nhau giữa chế độ dinh dưỡng lành mạnh của đại đa số công chúng và chế độ dinh dưỡng dành cho người tập luyện thể dục thể thao.
Với người tập luyện thể dục thể thao hoạt động nhiều, năng lượng phải tiêu hao nhiều hơn nên họ cần phải tính toán kĩ lưỡng, chi tiết năng lượn nạp vào. Vẫn là những loại thực phẩm đó nhưng cấu trúc sẽ khác đối với người tập luyện, chẳng hạn, ở một số môn, người tập sẽ phải ăn nhiều thịt hơn, trong khi ở một số môn khác, người tập lại cần đến tinh bột nhiều hơn. Thậm chí, ở ngay cùng một môn thể thao nhưng các giai đoạn khác nhau cũng đòi hỏi dinh dưỡng khác nhau, cụ thể là trước, trong và sau khi tập luyện hoặc đối với các vận động viên tham gia thi đấu thì giai đoạn tập luyện trước khi thi đấu cũng khác với giai đoạn trong kì thi đấu, rồi khi thi đấu thì giai đoạn trước, trong và sau khi thi đấu cũng có sự khác biệt, đòi hỏi vận động viên nói riêng và người tập luyện thể dục thể thao phải hết sức chú ý. Chú trọng chế độ dinh dưỡng tập luyện sẽ giúp người tập có đủ năng lượng cho quá trình tập luyện đồng thời nhanh chóng bù đắp năng lượng đã bị tiêu hao bởi quá trình tập luyện, nhờ đó, tránh được những tổn thương sức khỏe không đáng có và cả những chấn thương không mong muốn trong quá trình tập luyện.
Những “hiểu lầm” về dinh dưỡng thể thao
Nói về dinh dưỡng thể thao hay chế độ dinh dưỡng cho những người tập luyện, có không ít lời “đồn thổi”, không ít thông tin được truyền tai nhau nhưng lại không đảm bảo tính khoa học cũng như sự phù hợp đối với từng cá thể. Điều này dẫn đến việc tập luyện không đạt hiệu quả mong muốn hoặc thậm chí có những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. PGS. Nguyễn Xuân Ninh chỉ ra một số sai lầm phổ biến trong dinh dưỡng thể thao như sau:
– Chỉ chú trọng ăn chất đạm mà không ăn chất bột đường. Đây là một cách hiểu sai mà rất nhiều người mắc phải. Một khẩu phần ăn được coi là tuân theo chế độ ăn uống khoa học phải cân đối đầy đủ các nhóm chất: đạm – đường – xơ – béo – vitamin – khoáng chất. Quan trọng là phải điều chỉnh, cân đối các nhóm chất này sao cho phù hợp ở từng giai đoạn khác nhau, cũng như ở từng môn thể dục thể thao khác nhau. Nếu ví việc ăn uống giống như xây nhà thì chất đạm ( hay còn được biết đến là protein) đóng vai trò như những viên gạch – thành phần chính trong xây dựng nhừ cửa. Tuy nhiên, nếu chỉ có mỗi gạch thì ngôi nhà sẽ không thể nào hoàn thiện được, còn cần đến rất nhiều thứ khác như xi măng, cốt thép và các yếu tố khác kèm theo.
– Giảm chất bột đường để giảm cân, giảm mỡ: cụ thể, đây là hình thức ăn kiêng bằng cách một mặt chỉ tập trung ăn chất đạm để khỏe và có thân hình vạm vỡ; một mặt giảm hết chất bột đường để giảm cân nhanh. Hình thức này cũng là một sai lầm phổ biến khi thiết kế chế độ dinh dưỡng nói chung và nhất là chế độ dinh dưỡng cho người tập luyện nói riêng. Thực tế, chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng chính trong các bữa ăn hàng ngày. Với vai trò quan trọng, chất bột đường ( cơm, gạo, ngũ cốc,..) phân giải thành chất đường để chúng ta hấp thu, lưu thông trong máu giúp chúng ta giữ được trạng thái tỉnh tháo cùng tinh thần thoải mái. Đặc biệt, bộ não hoạt động nhờ chất bột đường, nếu thiếu bột đường, con người thường gặp phải hiện tượng chóng mặt, xây xẩm mặt mày, hoa mắt ù tai hay còn được gọi là hạ đường huyết. Ngoài ra, nếu kiêng chất bột đường thái quá, chỉ một thời gian ngắn, vài ngày sau cơ thể sẽ trở nên uể oải, mệt mỏi, ủ rũ. Trong khi đó, ăn quá nhiều protein ( chất đạm) dẫn đến thừa đạm trong cơ thể, gây ra nhiều tác động tiêu cực cho cơ thể, mà dễ thấy nhất là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: protein lắng đọng trong cơ thể, không được hấp thu trong đường tiêu hóa gây táo bón, lên men thối và sinh ra nhiều chất độc hại hấp thu ngược lại cơ thể mà đó cũng có thể chính là nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa, hoặc thậm chí có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến ung thư. Do vậy, cần phải có sự kết hợp protein với carbonhydrate, và đặc biệt là rau quả
Hoạt động thể chất nói chung và tập luyện thể dục thể thao nói riêng có ý nghĩa quan trọng với tất cả mọi người, giúp nâng cao sức khỏe tâm thể, tạo lập và theo đuổi lối sống lành mạnh. Song, để đảm bảo hiệu quả của việc tập luyện thể dục thể thao, người tham gia tập luyện phải luôn luôn đảm bảo, đồng thời đòi hỏi người tập phải tuân theo chế độ dinh dưỡng được thiết kế khoa học và phù hợp với từng cá thể.
Công ty dinh dưỡng hàng đầu Herbalife Việt Nam là thành nhà tài trợ chính thức của Đội Tuyển Bóng Đá quốc gia Nam, Nữ và các Đội Tuyển Bóng Đá U22 / U23 / Olympic từ năm 2021 đến 2024.