Quả bầu có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm tạo thành các món ngon miệng, mát bổ nhưng cũng cần có những lưu ý khi ăn và chế biến.
Dưới đây là những thông tin về dinh dưỡng và cách sử dụng của quả bầu do TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia
1. Hàm lượng dinh dưỡng trong quả bầu
Trong 100g bầu có chứa: 95% nước, 25% phosphor, 21% calcium, 2,9% glucid, 0,5% protid, 1% cellulos, 0,2mg sắt và các vitamin: 0,02mg caroten, 0,03mg vitamin B2, 0,40mg vitamin PP, 12mg vitamin C, 0,02mg vitamin B1.
Với hơn 90% là nước, quả bầu hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ lượng nước mà cơ thể cần có.
2. Tác dụng của quả bầu
Vỏ quả bầu: Vỏ quả bầu có tính bình, vị ngọt, có tác dụng lợi tiểu, chữa phù thũng, chướng bụng. Tuy nhiên lưu ý, lựa chọn vỏ bầu không sử dụng các chất bảo vệ thực vật.
Ruột và hạt bầu: Hầu hết các bà nội trợ thường có thói quen khoét bỏ ruột và hạt bầu trước khi chế biến thành món ăn. Tuy nhiên, hạt bầu không những chứa nhiều vitamin và dưỡng chất, hạt bầu còn có tác dụng để trị giun hay đau đầu. Hoặc khi bị viêm lợi, tụt lợi bạn có thể lấy hạt bầu đun lấy nước để súc miệng. Vì vậy, chỉ nên bỏ phần ruột và hạt bầu khi quá già.
Quả bầu
Rau bầu: Rau bầu giàu chất xơ nên giúp người ăn no bụng mà không sợ tăng cân. Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian rau bầu còn có tác dụng chữa sỏi thận, tiểu ít, tiểu khó.
Tua bầu: Khi nhặt ngọn bầu, nhiều người hay ngắt bỏ tua. Tuy nhiên nếu tua bầu non thì việc ngắt bỏ là không cần thiết vì không chỉ ăn ngon, tua bầu thường còn có thể đun lên làm nước tắm để trị mẩn ngứa, rôm sảy mùa hè.
Vỏ bầu, hạt bầu, hoa bầu, ruột bầu, rễ bầu… đều có tác dụng chữa bệnh.
Hoa bầu: Hoa bầu không chỉ là món ăn ngon mà còn còn có tác dụng chống tiêu chảy rất tốt, đặc biệt là khi ăn chung với hải sản.
Ngoài ra với những người phải hoạt động ngoài trời ra nhiều mồ hôi, có thể lấy hoa bầu đun lấy nước uống để đề phòng mất nước
Rễ của quả bầu: Có thể được sử dụng để điều trị chứng bệnh vàng da, da bị phù do chức năng gan kém. Rễ của quả bầu có hiệu quả giải độc gan rất tốt cho sức khỏe.
Bầu nhồi thịt.
Ăn bầu giúp đẹp da
Nước bầu có chứa các vitamin thiết yếu khôi phục lại sức sống cho làn da. Nó giúp trẻ hóa tế bào da thậm chí còn điều tiết sản xuất dầu ngăn chặn mụn phát triển. Với những trẻ bị ngứa, rôm sảy có thể lấy hoa và tua cuốn của bầu đun làm nước tắm.
Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch
Hàm lượng chất xơ hòa tan cao cùng với khoáng chất như kali, natri có trong quả bầu sẽ giúp hệ tim mạch thêm khỏe mạnh hơn. Nó sẽ giúp giảm lượng cholesterol bám ở thành mạch máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Ăn bầu hàng ngày hoặc uống một cốc nước ép sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Bầu kho.
Giúp thông tiểu
Quả bầu là một loại quả có tác dụng lợi tiểu tự nhiên đáng sử dụng. Ăn bầu hàng ngày sẽ giúp cơ thể thúc đẩy việc đi vệ sinh thường xuyên để đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Từ đó sẽ tăng khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ trong đường tiết niệu.
Bầu nấu canh hến
Hỗ trợ giảm cân
Nước ép từ quả bầu được sử dụng rộng rãi để giảm cân khá tốt. Trong nước ép có đầy đủ các vitamin như vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E,…Ngoài ra quả bầu không chứa chất béo, lượng calo vừa phải nên hoàn toàn phù hợp để giảm cân ở phụ nữ.
Canh bầu nấu nấm
3. Các món ăn chế biến từ quả bầu
- Canh bầu nấu tôm
- Canh bầu nấu thịt
- Canh bầu nấu ngao
- Canh bầu nấu hến
- Canh bầu nấu tép
- Canh bầu cá lóc
- Canh bầu nấu thịt bò
- Canh bầu nấu nấm
- Canh bầu sườn heo
- Canh bầu nấu cua
- Canh bầu trứng
- Bầu kho tiêu
- Bầu luộc chấm kho quẹt
Nếu thấy bầu bị đắng phải bỏ không ăn cả quả bầu.
4. Những lưu ý cần biết khi ăn quả bầu
Thông thường khi ăn bầu, nếu thấy bị đắng, chúng ta chỉ bỏ đi phần đắng và ăn phần còn lại. Tuy nhiên, cần bỏ cả quả bầu đó đi. Ăn quả bầu bị đắng có thể bị ngộ độc Cucurbitacin. Trường hợp nhẹ, cơ thể sẽ tự đào thải Cucurbitacin, trường hợp nặng hơn bạn sẽ bị buồn nôn, đau bụng.
Trước đây, ở Ấn Độ đã từng ghi nhận một trường hợp tử vong do ngộ độc Cucurbitacin vì uống nước ép từ quả bầu. Sau vụ việc này, đã có nhiều khuyến cáo về việc uống nước ép quả bầu. Trước khi uống cần nếm thử mùi vị của nước ép xem có vị đắng hay không?
Quả bầu có tính mát, ngon nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Một tuần không nên ăn quá 3 bữa bầu và cần ăn nhiều loại rau củ khác để cơ thể được tiếp nhận phong phú vitamin và dưỡng chất
Bầu có tính lạnh nên những người đang bị lạnh bụng, đây hơi thì không nên ăn bầu. Ăn bầu sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn.